chuyện xứ Hà Lan

Chuyện lái xe, phần 3: Tất tần tật những gì tôi chuẩn bị để thi đậu thực hành

Bên cạnh chiếc xe để thi hôm nay

Tâm trạng bây giờ vẫn còn đang lâng lâng bởi câu nói của ông examiner “Congratulations, you passed” sau khi thi. Mình nghĩ đây cũng là thời điểm tốt để note lại cái này với hy vọng có thể giúp ích cho một số anh chị em có nhu cầu cần thi lái xe tại Hà Lan (ngôn ngữ là tiếng Anh nhe). Trong phạm vi của bài này chỉ đề cập đến phần khó nhai nhất là thi thực hành, bài viết dựa trên những thông tin mình thu nhập được qua quá trình học tập và kinh nghiệm thực tế (mình đã có bằng ở VN cách đây 6 năm nhưng hầu như không lái vì nhà nghèo ko có tiền mua xe… heee, thi ở Hà Lan thì đến lần thứ 2 mới đậu).

Phần 1: Chuẩn bị

Okey, trước hết bạn chịu khó tìm hiểu muốn có được cái bằng lái xe oto ở Hà Lan thì cần phải có những gì, và chi phí hết bao nhiêu tiền. Đừng vội vàng mà nhào đi học ngay trong khi mình chưa hiểu rõ nó, hãy dành thời gian để đọc thông tin trên web (CBR là trang thông tin chính thống tuyệt vời mà bạn không nên bỏ qua) và hỏi ý kiến/kinh nghiệm của những người đã thi, điều này rất quan trọng và có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí. Như mình đến sau khi trượt lần đầu mới đi tìm hiểu thêm thông tin, và thực sự là có những thông tin người dạy lái sẽ không nói cho mình nếu mình không hỏi (nếu không đọc trước, tìm hiểu trước thì biết cái gì để mà hỏi).

Đầu tiên là… tiền đâu. Hãy xác định quota cho bạn tầm 2,000-3,000€, mình nghĩ con số này là hợp lý cho người mới bắt đầu. CBR đã thống kê rằng người học muốn có bằng lái xe (họ tính tất tần tật các chi phí từ khi thi lý thuyết đến lúc request license ở gemeente) thì tổng chi phí ước tính vào khoảng 2,327€ [1], trong đó trung bình 1 người thi lý thuyết khoảng 2.4 lần là đậu, thi thực hành là 2 lần, 1 lần interim test với tổng thời lượng trung bình gần 40 giờ học với đơn giá trung bình 40€/giờ (cho tiền học khoảng 1,600€ ha). Trên thực tế mình nghĩ có thể người mới bắt đầu học sẽ tốn nhiều thời gian hơn nhưng bạn có thể tìm kiếm chỗ học với mức giá 25-30€/giờ khi đăng ký theo packet của họ.

Tiếp theo, hãy dành thời gian để xem xét bạn dự định thi thực hành ở đâu rồi hẵng lựa chọn người dạy, điều này cực kỳ quan trọng vì trên Hà Lan thì tỉ lệ pass trung bình ngay lần đầu tiên khá thấp, mình không có ý định tìm con số chính xác nhưng cũng có thể chắc chắn rằng là dưới 50%. CBR có hẳn một trang web [2] để thống kê tỉ lệ này cho từng thành phố, trong đó có cả tỉ lệ thi đậu của các trường dạy lái xe, thông tin này được cập nhật theo hằng quý với số liệu trong vòng 12 tháng, như hiện tại thì con số thống kê là từ 1/10/2016 đến 30/09/2017. Nếu bạn chọn thi ở Rotterdam thì khả năng bạn rớt sẽ cao hơn nhiều so với Utrecht, Alkmaar, Leiden… Mình thi ở Rotterdam – nơi được cho là khốc liệt nhất với tỉ lệ đậu cỡ 38%  (thực ra lúc chọn học thì mình chọn đại nơi gần nhà nhất chứ chưa biết đến trang này, sau khi thi rớt mới đi tìm hiểu, heee). Con số trung bình ở một số thành phố như sau:

  • Rotterdam/Barendrecht: từ 36-40%
  • Rijswijk/Amsterdam: từ 41-45%
  • Breda/Groningen: từ 46-50%
  • Utrecht/Leiden/Eindhoven: từ 51-55%

Rồi ha, chưa gì là thấy nhức xương rồi đó, từ thành phố bạn chọn, hãy sort để tìm trường nào có tỷ lệ cao cao, số lượng học viên pass nhiều… rồi vào trong website của họ để xem thông tin, giá cả như thế nào. Bạn có thể chọn trường/người dạy nào phù hợp với nhu cầu của bạn. Tuy nhiên, đừng có quên hỏi thông tin của những người xung quanh bạn đã từng thi đậu. Họ có thể recommend cho bạn một số tips của trường đó, hoặc (có thể) giúp bạn deal với giá tốt hơn. Có thông tin rồi thì bạn dễ dàng check profile của họ là đậu nhiều hay ít. Như ông thầy dạy mình, đến khi mình thi rớt lần đầu mới vào để xem profile, ahihi tỉ lệ đậu lần đầu là 26-30%, sáng nay trước đi thi mặc dù tự tin lắm nhưng cũng run… vãi đái. Có trường thì người ta có thông tin rõ ràng học bao nhiêu giờ, tiền thi đóng bao nhiêu, hôm bạn thi có tính thêm tiền gì nữa không… có trường thì tính luôn ngày thi của bạn là 2 lessons, do đó hãy hỏi kỹ giá cả trước khi tầm sư nhé 😀 Thường thì hôm đầu tiên gặp là free, hãy list tất cả những câu hỏi bạn có thể hỏi, ví dụ như: ông dạy tỉ lệ đậu có cao không (họ mà trả lời cao 100% thì chắc chắn xạo ke luôn, hoặc là trúng ông mới dạy lái, mới có 1 người thi và may mắn thay đậu luôn lần đầu), một les là tính 45-50 hay 60 phút, tiền học như thế nào…. bla bla đủ thứ, nói chung hỏi càng nhiều càng tốt nhé? Tóm lại hãy cố gắng để lựa chọn một trung tâm/người dạy lái tốt, có thể giao tiếp và giảng giải bằng tiếng Anh ok cho bạn.

Phần 2: Học và hành và hiểu

Mình khuyên bạn nên đi thi lý thuyết trước khi đi học, có thể khác với một số người lựa chọn song song vừa học thực hành vừa ôn lý thuyết. Học lý thuyết để hiểu, nắm rõ luật và cách vận hành của các phương tiện giao thông ở Hà Lan, rồi học thực hành để bạn có cơ hội nhìn nhận thực tế nó có đúng như vậy hay không, người ta tuân thủ luật  như thế nào…

Rồi nhé, xem như bạn đã chọn được nơi học và deal giờ học cho phù hợp với cá nhân của mình. Việc tiếp theo là bạn hãy vào CBR [3] để xem các tips họ như thế nào, bản thân mình thấy khá hữu ích với 14 tips mà họ đưa ra. Ngoài các tips kia thì mình chỉ đề cập đến những việc (theo quan điểm cá nhân mình) mà bạn phải cực kỳ lưu ý khi học. Đó là những gì:

  • An toàn, đây là điều quan trọng nhất trong các thứ quan trọng ha, lái xe không phải an toàn cho mình mà còn an toàn cho những người khác nữa, mình nhớ 1 câu hồi học phần lý thuyết “Drivers of motorvehicles are not the only persons on the road. Most other road users are more vulnerable than you are because they are less well protected in the event of a collision”. Nhớ nhé!
  • Kỹ năng nhìn, nhìn, nhìn, và nhìn: đây là lý do hầu hết những người fail lần đầu đều bị mắc phải. Quá trình học thì người dạy sẽ giúp bạn những kỹ năng này, nhìn trước, nhìn sau, nhìn điểm mù, nhìn gần nhìn xa, nhìn biển báo, phán đoán tình huống…. Lúc mình đi thi lần đầu thì ông chấm thi nói luôn, nôm na là thế này “Mày biết lái xe đó, mày biết lúc nào dừng lúc nào đi, mày biết phán đoán đó, nhưng tao ngồi bên và chắc chắn là mày nhìn không tốt, bad behaviour”. Về nhà uất hận ông chấm thi lắm, đoán chắc ổng (~50 tuổi) ghen tỵ với vẻ “hơi đẹp chai” của tao nên cho tao rớt đây, chứ “tao nghĩ” là tao nhìn kỹ lắm rồi :((( Nhưng thực tế thì đi thi dưới áp lực thì chúng ta hoàn toàn có thể quên nhìn hoặc có một thiếu sót nào đó là đương nhiên. Hãy dành thời gian luyện tập và ghi nhớ trong đầu quy tắc A-B-C nhé, lúc chuyển số hay dừng đèn đỏ hãy dành thời gian để nhìn qua gương chiếu hậu bên trong.
  • Tiếp theo là các luật ưu tiên mà bạn dễ mắc phải là: giao chỗ ngã tư đồng cấp và nhường quyền ưu tiên cho xe bên phải, lý thuyết thì thế đó, nhưng thực hành rồi bạn sẽ thấy cái này mình dễ phạm phải lắm, đi thi mà ông chấm thi ngồi bên đạp phanh 1 nhát là coi như xong đời ha. Thêm 1 cái nữa là những đoạn đường giao nhau có tram line, đi thi thế nào người ta cũng sẽ cho mình vào những chỗ thế này để thử trình lái ra sao. Liên quan đến ưu tiên thì có người đi bộ và đường người đi xe đạp nữa nhé, lưu ý và lưu ý. Có anh bạn đi thi cả buổi lái xe ngon lành cành đào, lúc về chuẩn bị rẽ để về CBR thì lại không để ý bạn nữ xinh đẹp đang đạp xe từ phía bên tới, thế là lại rớt trong uất ức nghẹn ngào, để ý đến shark’s teeth sign là một phần quan trọng của cuộc chơi này.
  • Các thao tác đặc biệt như: đỗ xe song song, quay đầu xe, dừng và chạy… thì bạn cũng nên dành thời gian luyện tập nhiều, theo mình thì cái parallel parking là dễ làm người học khóc nhất, tuy nhiên lúc thi thì giám khảo cũng sẽ không quá strict, bạn có thể đỗ xe hơi xa xa tí (tầm 30-40cm) thì vẫn ok, nhưng nếu bánh xe mà đụng lề đường thì… thôi rồi lượm ơi. Mỗi người dạy sẽ có một số tips khác nhau, trong quá trình học thì bạn có thể tự rút ra kinh nghiệm cho mình. Bạn cũng có thể dành thời gian để xem các video hướng dẫn parallel parking trên youtube để học hỏi thêm.
  • Ngoài ra thì có một số lưu ý khác như: lúc chuyển làn vào ra cao tốc, chọn và chuyển làn để chuyển hướng đi cho phù hợp, ứng xử khi thấy biển STOP, tốc độ phù hợp với đường/tình huống giao thông… là những thứ cũng cần phải lưu ý.

Phần 3: Hiểu về ngày thi và những cái tricks người ta dành cho bạn

Đầu tiên phải hiểu rõ hôm bạn thi sẽ phải đối mặt với những điều gì, may mắn thay ông CBR đã sinh ra một cái gọi là Tussentijdse toets, cái này rất hữu ích cho người mới học. Buổi test này giống như một buổi thi thật 100% với tất cả các kỹ năng, nếu làm tốt các thao tác đặc biệt thì bạn có thể được miễn ở ngày thi chính thức (mình không đăng ký bài test này nên chưa xác thực 100%, đợi hôm nào bạn mình thi thì mình sẽ confirm lại). Mình nghĩ bạn nào học từ đầu thì nên lựa chọn bài test này, nó sẽ giúp bạn làm quen với bài thi thực và giúp đỡ khá nhiều áp lực cho ngày thi thật. Vậy hôm thi thật (gói gọn trong vòng 55 phút) sẽ có những gì nhỉ:

  • Heeee, phần này mình gọi là giao lưu tìm hiểu ban đầu, đến ngày thi thì bạn phải tới sớm cỡ 15 phút là đương nhiên, tới giờ thì lên phòng gặp examiner. Tại đây bạn sẽ được giám thị kiểm tra thông tin cá nhân, rồi trao đổi một một số câu hỏi liên quan đến việc lái xe trên đường, sáng nay thì mình được hỏi “Ê ku, ku hiểu gì về việc lái xe ở Hà Lan?”: Mình thì rút kinh nghiệm rớt lần đầu rồi, mạnh dạn trả lời: Đầu tiên phải là safety nhé, tuân thủ theo luật nè, rồi lưu ý quan sát trên đường, chạy đúng tốc độ, bảo đảm luồng xe thông suốt nè…bla bla. Ông thầy dạy mình thì gật đầu lia lịa, còn ông giám khảo thì hỏi thế mày có nớ-vợt, có xì-chét chi không, nếu có thì cố gắng hít thở sâu bình tĩnh lại, hãy tự tin và thoải mái. Rồi mình có câu hỏi gì thì cứ hỏi: Mình thì hỏi là “Tôi thấy ông đệp zai quá nên có khi tôi mải ngắm ông mà không nghe ông nói rõ, chắc tui hỏi lại được chứ nhỉ” Heee, ổng vỗ tay cái đét, bảo là cảm ơn vì mày khen tao, nhưng đi thi thì xấu đẹp không quan trọng nhóe ku, còn nghe không rõ thì nhớ hỏi lại tao, không sao hết á. Bạn lưu ý là khi thi sẽ có 3 kiểu: 1 là người ta cho bạn chạy với navigation, 2 là người ta sẽ ra lệnh (ra lệnh từng đoạn kiểu như tới đâu thì họ bảo rẽ tới đó, nhưng cũng có thể ra lệnh 1 lần gồm nhiều thao tác tuần tự kiểu như mày chạy tới hết đường thì rẽ phải, xong rẽ trái, rồi đi thẳng tới gặp cái đèn đỏ thứ 2 thì rẽ phải, xong tìm đường lên cao tốc để chạy về hướng ABC-XYZ chi đó), 3 là người ta sẽ bảo bạn tự tìm đường chạy tới 1 cái building/điểm cao nào đó, trong quá trình thi thì có thể kết hợp cả 3. Hôm nay mình đi thi thì ổng ra lệnh 1 mớ, lúc đầu nghe ko rõ nên hỏi lại ổng vẫn ok, xong thì đoạn khác lại chạy navigation. Bạn có thể dùng navigation trên xe hoặc dùng navigation mang theo. Xong xuôi phần giao lưu này hết tầm 5-10 phút, nếu không có gì để hỏi thì nắm tay nhau ra xe.
  • Ra tới cửa thì bạn sẽ đứng đó chờ, examiner sẽ check mắt của bạn bằng cách bảo bạn đọc biển số xe cách bạn tầm 30m. May quá tối qua ngủ ngon, nhìn 1000/100 đọc vanh vách từng chữ từng số một.
  • Ra đến xe thì bạn có thể yêu cầu thầy dạy lái xe đi chung với bạn (nếu hôm đó chỉ có 1 người chấm thi), bạn đương nhiên ngồi ghế tài, người chấm ngồi bên cạnh còn ông thầy cho ngồi phía sau quan sát chứ chẳng được nói điều gì. Lần đầu mình đi thi thì cho ông thầy vào ngồi, buồn thay hôm đó lại fail, nhìn ổng stress cũng chẳng kém mình mà thấy tội luôn. Hôm nay đi thi lại thì mình bảo thôi ông ở lại uống cà phê chờ tin tốt đẹp từ tui là được rồi, ổng chỉ nói “Tốt, tao tin mày”. Theo quan điểm của mình thì bạn không nên đưa thầy dạy lái theo, vì như thế cảm giác như nó phản ánh rằng mình chưa được tự tin và independent cho lắm. Bạn cứ yên tâm là bình thường bạn học xe nào thì tới hôm thi sẽ được thi xe đó. Chứ không được như mình trúng phải ông thầy mê đổi xe, hồi đi học thì chạy con Polo 1.2, tới hôm đi thi thì mần bạn Seat 2.0 làm cho lúc lên cao tốc mình đạp ga mà phê như con tê tê.
  • Tới đây mà vẫn chưa cho chạy hả trời, chưa đâu nhé. Ông examiner sẽ hỏi bạn một số kiến thức của bạn về chiếc xe bạn đang lái này. Người ta sẽ hỏi gì? Có thể bạn sẽ được yêu cầu mở nắp capo ra và nói tên 1 số thành phần cũng như chức năng của nó, có thể bạn sẽ được hỏi về lốp xe và áp suất của nó, mấy cái này thì bạn yên tâm lúc học sẽ được chỉ nhé. Nhưng mình thì 2 lần thi thì được cho thẳng vào trong xe luôn (hí hí, chắc là do mình bảo là tao thấy ở đây lạnh quá hà, ở VN tao giờ này 30 độ á, ông mà hồi nào qua chơi thì hú tôi, bảo đảm có thổ địa dẫn đường), mình được hỏi mấy câu như: Tao thấy hôm nay trời nó cứ tù mù thế nào á, theo mày thì nên bật cái đèn nào nhỉ? Xong rồi hỏi 1 số biểu tượng trên board đang sáng là gì (ví dụ đèn dây an toàn, động cơ, phanh tay)? Rồi hỏi như lúc vào xe mà chưa start thì có mấy thứ gì có thể sử dụng được với nguồn cấp từ ắc-qui (1 số đèn nè, radio nè, điều hòa nè, chỉ cần 3 cái là đủ ha)? Rồi xong ổng hỏi mấy cái công tắc trên xe thì bạn cũng phải biết. Hôm lần đầu thi thì ông examiner hỏi mình cái nút ở dưới cái gương chiếu hậu dùng để làm gì? May là mình trước hôm đó đã chịu khó đọc cái manual của chiếc xe nên trả lời được. Các bạn có thời gian thì hãy tìm manual cho chiếc xe của mình đang học và tìm hiểu. Ngoài ra youtube cũng giúp bạn kha khá, ví dụ như con Polo hồi mình thi lần đầu thì mình tìm hiểu thêm qua youtube [4]. Đối với mình thì mình trả lời được hết nên chẳng có vấn đề gì, giả sử như có 1 số cái không rõ thì mình nghĩ cũng không sao. Anyway, cách tốt nhất để không bị fail là đừng cho người ta cơ hội để tìm ra được lỗi của mình. Phần này cũng tầm 5-10 phút là xong nhé.
  • Ngon rồi, giờ nổ máy và lên đường nào, thường thì việc chạy sẽ gói gọn trong vòng khoảng 30-35 phút trên đường, bạn sẽ gặp hầu như đầy đủ các thể loại đã học nhé. Tuy nhiên có 1 số tricks mà người ta đưa cho bạn như: Bắt bạn rẽ vào đường không được phép rẽ, rồi có khi cho bạn vào đường 1 chiều rồi bảo bạn quay đầu ngược lại trên con đường đó… Ngoài ra thì bạn sẽ được đưa vào 1 khu dân cư nào đó có nhiều đường 1 chiều qua lại theo các hướng khác nhau, bạn phải nhìn biển báo cho rõ mà chạy, khi examiner tỏ ra lạnh lùng… như con thạch sùng nghĩa là người ta đang để cho bạn lái độc lập đấy nhé, hỏi gì người ta cũng không nói đâu ha. Vâng, 30 phút trên đường này là 30 phút mà bạn phải cố gắng để bình tĩnh nhất, tự tin nhất, thoải mái nhất để lái xe một cách chuẩn xác nhất có thể. Lên cao tốc mà nhập/tách làn không nhìn đủ/rõ phát… tạch. Vào vòng xuyến mà quên nhìn 2 bên 1 phát… tạch. Đường cho 50 mà cứ chạy 40… tạch. Rẽ mà quên không signal… tạch. Cần nhường ưu tiên cho xe khác mà không nhường… tạch. Dừng đèn đỏ, đèn qua xanh rồi, nhả côn phát để chạy tiếp mà tắt máy… tạch. Qua đoạn giao nhau với tram mà không chịu nhìn các hướng tram chạy… tạch. Bảo đỗ xe, lui mà không nhìn kính sau/phải/trái/điểm mù… tạch…. Túm lại là rất nhiều nguy cơ để… tốn tiền. Nói chung là chỉ có việc luyện tập mới giúp bạn giảm nguy cơ và rủi ro bị fail thôi. Với mình thì mỗi hôm đi học về thì mình lại lên google street để xem lại đường đó mình hôm nay đi bị sai chỗ nào, có chỗ nào cần lưu ý, tại sao ông thầy bảo mình chọn lane này mà không chọn lane kia… dần dần mình tự build cho mình khoảng 6 route mà mình hay đi (tuy nhiên 2 hôm mình đi thi thì chẳng có route nào giống cả), hôm thi lần đầu thì mình được cho chạy lên Rotterdam Noord, hôm nay thì chạy lên Overschie.

Xong, cơ bản mới nghĩ ra được chừng này, hồi nào nghĩ ra tiếp ý khác thì sẽ update. Bạn nào dự định thi lái xe ở Rotterdam thì mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp và chia sẻ các route mình đã làm trên google maps. Gần 6 tháng khổ sở đã qua rồi, giờ thì coi nào, mua xe gì đây….. vợ ơi?

[1]https://www.cbr.nl/rijbewijstips/kosten-rijbewijs-halen/

[2]http://www.rijschoolgegevens.nl/index.asp?pageid=2

[3]https://www.cbr.nl/rijbewijstips/

[4]: https://www.youtube.com/watch?v=CWyKTGhclsY

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.